Hệ quả Dennō Senshi Porigon

Tin tức về vụ tai nạn đã nhanh chóng truyền đi khắp Nhật Bản và gây chấn động. Hàng ngàn phụ huynh đổ ra đường biểu tình ngay trong đêm nhằm bày tỏ bất mãn trước sự tắc trách của nhà nước trong khâu quản lý chiếu phát, nhất là với một chương trình hướng đến thiếu nhi.[25] Ngày hôm sau, đài truyền hình điều hành sản xuất và phát sóng tập phim này là TV Tokyo đã gửi thông điệp xin lỗi công khai đến toàn thể người dân Nhật Bản, đồng thời đình chỉ chương trình và cam kết sẽ mở cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra cơn động kinh.[8] Thủ tướng Nhật Bản khi ấy là Hashimoto Ryūtarō cũng bị cuốn vào cuộc tranh cãi.[25] Ông ví các tia chớp sáng như một thứ vũ khí, bởi vì mức độ tác động của chúng lên người xem là khó có thể lường hết được.[26] Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đã chỉ thị cho Văn phòng cảnh sát Atago thẩm vấn nhà sản xuất anime về nội dung chương trình và quá trình thực hiện tập phim.[2] Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi triệu tập một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận với các chuyên gia và thu thập thông tin từ bệnh viện.[6] Hơn 940 nhà bán lẻ video trên khắp Nhật Bản đã loại bỏ anime Pokémon khỏi cửa hàng của mình.[8] Sàn chứng khoán Tokyo ngay lập tức có phản ứng, và cổ phiếu của Nintendo giảm mạnh 400 yen (gần 5%) xuống còn 12.200 yen khi tin tức về vụ việc được lan truyền.[8][27] Sau đó, chủ tịch Nintendo lúc bấy giờ là ông Yamauchi Hiroshi đã phát biểu trong một cuộc họp báo ngay khi tập phim vừa chiếu một ngày, rằng công ty trò chơi điện tử không chịu trách nhiệm về sự cố,[27] bởi trò chơi Pokémon nguyên bản trên Game Boy được phát hành chỉ với hai màu trắng đen.[21][28] Nintendo thậm chí phủ nhận mối liên kết giữa trò chơi và bộ phim, do lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ trong mùa Giáng sinh năm đó.[11]

Vụ tai nạn này về sau vẫn được báo chí Nhật Bản đề cập đến với tên "Pokémon Shock" (ポケモンショック, Pokemon Shokku?, Cú sốc Pokémon).[29][30] Trên thực tế vào ngày 29 tháng 3 năm 1997, chỉ khoảng chín tháng trước khi "Dennō Senshi Porigon" lên sóng, một tập trong bộ anime truyền hình YAT Anshin! Uchū Ryokō cũng khiến cho bốn em nhỏ bị động kinh và phải nhập viện.[31] Tập phim này phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia NHK, nhưng không gây ra náo động bởi số nạn nhân quá ít. Sau "Pokémon Shock", nhà chức trách điều tra ngược lại và kết luận nguyên nhân ở cả hai tai nạn là giống nhau, đều xuất phát từ những hình ảnh chớp có màu đỏ nhấp nháy quá nhanh.[5] Shudō Takeshi, lúc bấy giờ là chỉ đạo kịch bản của anime Pokémon, chia sẻ rằng nhờ cùng chung hoàn cảnh với tính chất khách quan ở hai bộ phim đã giúp cho tác phẩm của ông không còn bị mọi người tẩy chay nữa.[32][33] Ông nhấn mạnh thêm rằng vụ tai nạn đã vô tình là một cú hích giúp cho anime Pokémon gây được nhiều tiếng vang lớn hơn về sau.[32] Tính đến ngày 30 tháng 1 năm 1998, TV Tokyo đã nhận được tổng cộng 3.076 tâm thư cùng tranh vẽ liên quan đến anime Pokémon do bạn xem đài gửi về, trong đó có hơn 70% ý kiến lo lắng về tương lai chương trình và hy vọng nó sẽ sớm được tái phát sóng.[34]

Sau vụ chiếu "Dennō Senshi Porigon", anime Pokémon đã bị gián đoạn khoảng bốn tháng trước khi xuất hiện trở lại vào tháng 4 năm 1998 với hai tập "Pikachū no Mori" và "Ībui 4 Kyōdai", đạt tỉ suất khán giả 16,2%.[35][36][37][38] Sau thời gian gián đoạn, lịch chiếu của bộ phim đã được chuyển từ thứ Ba sang thứ Năm hàng tuần.[4] Ca khúc mở đầu cũng được làm lại, và cảnh màu đen thể hiện nhiều loài pokémon khác nhau ở chính giữa đã được chia đều thành bốn khung hình nhỏ trên màn ảnh. Trước sự cố động kinh, đoạn nhạc dạo cho hiện một hình pokémon ở mỗi lần đổi cảnh.[4] Trước khi nối lại việc phát sóng, "Báo cáo Thanh tra Vấn đề Anime Pocket Monsters" (アニメ ポケットモンスター問題検証報告, Anime Poketto Monsutā Mondai Kenshō Hōkoku?) đã được trình chiếu trên NHK vào ngày 11 tháng 4 năm 1998. Dẫn chương trình là nữ biên tập viên Yadama Miyuki một lần nữa thay mặt nhà sản xuất xin lỗi khán giả, sau đó cô giải trình lại những gì đã xảy ra với bộ phim cùng những khuyến cáo về sức khỏe khi xem truyền hình mới được công bố.[4][23] Nhiều đài truyền hình Nhật Bản và quan chức y tế đã cùng tìm cách để bảo đảm rằng sự cố này sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Họ đưa ra một loạt quy cách cho các chương trình hoạt hình trong tương lai,[13][39] bao gồm:

  • Những hình ảnh chớp, đặc biệt là chớp màu đỏ, không nháy nhanh quá 3 lần/giây. Nếu hình ảnh không có màu đỏ, nó cũng không nháy quá 5 lần/giây.
  • Hình ảnh chớp không được hiển thị quá hai giây.
  • Đường sọc, xoáy và hình tròn đồng tâm không chiếm phần lớn màn hình TV.

Kể từ ngày đó, tất cả anime truyền hình tại Nhật Bản đều bị bắt buộc hiển thị một thông điệp chạy chữ hàm ý cảnh báo ở phần đầu mỗi tập phim như sau: "Khi xem hoạt hình, xin bạn bật sáng đèn phòng và không ngồi quá sát màn hình." (テレビアニメをみるときは、部屋をあかるくして近づきすぎないようにしてみてくださいね。, "Khi xem hoạt hình, xin bạn bật sáng đèn phòng và không ngồi quá sát màn hình."?)[40][41] Hàng loạt đài địa phương cũng tiến hành những biện pháp tự kiểm duyệt các chương trình, qua đó thay đổi phương cách sản xuất và phát sóng của ngành truyền hình Nhật Bản về sau.[42][43][44][45] Do ảnh hưởng từ sự cố, các tập "Rougela no Christmas" và "Iwark de Bivouac" cũng bị thay đổi ngày dự định phát sóng ban đầu tại Nhật Bản. Hai tập phim này vốn lên kế hoạch chiếu sau "Dennō Senshi Porigon" lần lượt vào các ngày 23 tháng 12 năm 1997 và 6 tháng 1 năm 1998. Chúng bị hoãn lại đến tận ngày 5 tháng 10 năm 1998 và trở thành suất chiếu đặc biệt khi được phát sóng liên tục suốt một giờ.[46] Trật tự phát sóng bị xáo trộn khiến cho Satoshi vào tối ngày hôm đó vẫn chỉ mới có trong tay Hitokage thay vì hình thái tiến hóa cuối cùng của nó là Lizardon, trong khi Kasumi hiện mới sở hữu StarmieTattsū chứ chưa xuất hiện Togepi. Tương tự, một tập đặc biệt mừng năm mới dự kiến chiếu xen giữa hai tập phim trên vào ngày 30 tháng 12 năm 1997 cũng bị hủy bỏ do TV Tokyo tránh tối đa các chương trình đề cập đến Pokémon sau vụ việc.[47]

Nhằm ngăn không để lặp lại bất kỳ sự cố tương tự nào, nhà sản xuất đã quyết định cấm triệt để khả năng phát lại tập phim này trong tương lai.[48] Với việc Nintendo thu hồi vĩnh viễn bản quyền phát sóng "Dennō Senshi Porigon", bản thân tập phim chưa từng được phát lại tại bất kỳ quốc gia nào ngoài Nhật Bản.[30][49] Trong một nỗ lực nhằm loại bỏ sự cố này ra khỏi tâm trí công chúng và ngăn ngừa tổn thương, các tập sau của bộ anime chưa bao giờ tập trung lại vào Porigon.[50] Hai hình thái tiến hoá tiếp theo của nó, Porigon2Porigon-Z, đã không được xuất hiện trong anime suốt một thời gian dài.[50] Tuy vậy, cả hai pokémon này đã được nhìn thấy trong đoạn nhạc dạo "World of Pokémon" của phim điện ảnh anime Pokémon Movie 15 vào năm 2012.[51] Porigon2 còn góp mặt trong bài hát đầu mở đầu phiên bản tiếng Anh của Pokémon Chronicles và "Pokérap GS", trong đó thể hiện tất cả pokémon Thế hệ II ngoại trừ Celebi. Một trong các nhà biên kịch dòng anime là Iwane Masaaki cũng từng đề cập đến khả năng Porigon và những hình thái tiến hóa của nó sẽ góp mặt trong các tập phim tương lai.[52]

Phản ứng quốc tế

Một bài báo công kích toàn bộ ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản nhanh chóng xuất hiện trên tờ USA Today của Hoa Kỳ. Được viết bởi Jefferson Graham và Tim Friend, bài báo khẳng định rằng "trẻ em Mỹ không có khả năng bị động kinh bởi các bộ phim hoạt hình trên TV", chủ yếu là do hệ thống nhà đài Mỹ không chiếu "những bộ phim hoạt hình đồ họa của Nhật Bản được gọi là 'anime'" với "kiểu hoạt họa vồ vập" của chúng.[53] Bài báo đã khiến cộng đồng người hâm mộ anime ở Mỹ phẫn nộ.[54] Thực tế là anime đã rất phổ biến bên ngoài Nhật Bản từ trước đó, thậm chí ngay trên các kênh truyền hình Mỹ.[55] Khi Alfred R. Kahn, cựu giám đốc điều hành của 4Kids Entertainment, công bố vào tháng 1 năm 1998 rằng anime Pokémon sẽ được phát sóng tại Hoa Kỳ, nhiều bậc cha mẹ đã bày tỏ quan ngại về sức khỏe của con cái mình sau vụ việc kinh hoàng nửa tháng trước ở Nhật Bản. Tuy nhiên Kahn đã lên tiếng trấn an họ, ông tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ ổn cả; "Chúng tôi đã nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và khắc phục nó" — ông nói với USA Today.[56][57] Quả thật tập phim sau đó đã được 4Kids Entertainment lồng tiếng và sửa đổi để làm chậm lại ánh chớp sáng, nhưng cuối cùng vẫn không được phát sóng.[58]

Truyền thông Hàn Quốc phản ứng ngay lập tức sau sự cố, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng qua tuyên bố "90% học sinh tiểu học của Nhật Bản đang theo dõi loạt phim này."[59][60] Tháng 6 năm 1999, kênh truyền hình SBS thực hiện một phim tài liệu về sức hút của Pokémon, trong đó đề cập đến sự cố năm 1997 như một yếu tố "ngẫu nhiên" làm dòng sản phẩm này càng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết.[61][62][63] Chương trình cũng nhằm mục đích giới thiệu việc phát sóng loạt phim tại Hàn Quốc vào tháng tiếp theo như một sự phối hợp giữa SBS và Daewon Media, ít lâu sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập khẩu các văn hóa phẩm Nhật Bản.[64] Để dập tắt những lời bàn tán trong dư luận, SBS đã tuyên bố sẽ biên tập lại tất cả những cảnh phim có sử dụng đèn chớp, và tập phim thứ 38 gây ra bệnh động kinh đó sẽ không bao giờ được phát sóng do sự kiểm duyệt từ phía Nhật Bản.[61] Khán giả Hàn Quốc đã phản hồi tích cực sau khi phim được ra mắt trên truyền hình mà không bận tâm đến "Pokémon Shock".[65][66]

Báo chí và dư luận Nga cũng loan tin rộng rãi về sự cố này. Nhà nghiên cứu Victor Chibrikin của Viện Lý hóa Semenov khẳng định "Pokémon Shock" là một vụ thử vũ khí hủy diệt hàng loạt của Nhật Bản, nhằm tác động đến dao động điện từ tự nhiên của não bộ.[67] Trưởng bộ môn Psychocorrection của Học viện Y Moskva (nay là Đại học Y khoa Quốc gia Moskva I.M. Sechenov 1), Phó tiến sĩ Igor Smirnov, tiết lộ rằng khi nghiên cứu đoạn phim gây nên các cơn co giật, ông phát hiện ra trong đó có "hình bóng lờ mờ của một chữ tượng hình nào đó".[68] Phó giám đốc Viện nghiên cứu Psychoecology Elena Rusalkina trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Argumenty i Fakty thậm chí tuyên bố hoàn toàn nghiêm túc rằng cơn động kinh của trẻ em là do "một chữ tượng hình nào đó được cài vào phim".[69] Những người sản xuất bộ anime cũng bị cáo buộc kích thích tiềm thức khán giả thông qua hiệu ứng thông điệp vô hình mang hình ảnh của lãnh đạo phong trào tôn giáo cấp tiến Aum ShinrikyoAsahara Shōkō và hình ảnh của thần Shiva trong Ấn Độ giáo, tuy không thấy có bằng chứng nào về những tác động kiểu như vậy.[70] Tháng 12 năm 2000, mùa thứ nhất của anime Pokémon được phát sóng trên kênh Truyền hình đại chúng Nga (ORT). Trước buổi chiếu tập phim đầu tiên, Trưởng ban Các chương trình thiếu nhi của ORT là Sergei Suponev đã cam đoan với khán giả về sự vô hại của tác phẩm:

“ Kế hoạch phát sóng chương trình này của chúng tôi có thể bị ai đó xem là điên khùng. Có rất nhiều lời ra tiếng vào xung quanh bộ phim này trên khắp thế giới. Thực ra đây là thứ khá vô hại. Một câu chuyện dễ thương về một cậu bé cứu những con thú nhỏ, dạy chúng chiến đấu vì cái thiện và công lý. Cũng có những kẻ xấu muốn mang chúng vào vườn thú để kiếm một số tiền lớn — đó là tất cả những gì được coi là bê bối trong phim này. ”

— Sergei Suponev[71]   

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dennō Senshi Porigon http://www.bioteach.ubc.ca/TeachingResources/Gener... http://www.t13.cl/noticia/tendencias/espectaculos/... http://www.absoluteanime.com/pokemon/porygon.htm http://chronicle.augusta.com/stories/010198/fea_ca... http://articles.chicagotribune.com/2004-10-27/feat... http://edition.cnn.com/WORLD/9712/17/japan.cartoon... http://edition.cnn.com/WORLD/9712/17/video.seizure... http://www.elintransigente.com/mundo/insolitas/201... http://abcnews.go.com/sections/world/DailyNews/ani... //books.google.com/books?id=U7hthImoc5AC